TỶ LỆ FREE FLOAT LÀ GÌ ? ÁP DỤNG TRONG PHÂN TÍCH VÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
A) Tỷ lệ Free Float là gì?
Định nghĩa tỷ lệ Free Float
Câu hỏi đầu tiên đặt ra ở đây chính là tỷ lệ Free Float là gì? Free Float trong thị trường chứng khoán được hiểu là lượng cổ phiếu được tự do giao dịch trên thị trường. Tỷ lệ Free Float là phần trăm giữa số lượng cổ phiếu Free Float so với tổng số lượng cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường.
Cổ phiếu Free Float không bao gồm số lượng cổ phiếu của cổ đông lớn (nắm giữ tối thiểu 5% lượng cổ phiếu được quyền biểu quyền), các thành viên trong ban hội đồng quản trị, ban giám đốc và những người khác có liên quan đến cổ đông lớn, chức vụ trong HĐQT, ban giám đốc. Hoặc đơn giản hơn có thể hiểu cổ phiếu Free Float không bao gồm cổ phiếu của bên phải công bố thông tin khi giao dịch mua/bán cổ phiếu trên sàn.
Nhà đầu tư không nên hiểu lầm cổ phiếu Free Float với cổ phiếu bị hạn chế giao dịch: Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch tức là doanh nghiệp bị ngừng giao dịch toàn bộ số lượng cổ phiếu đang lưu hành vì vi phạm về một số yếu tố thông tin như kết quả kinh doanh hoặc vi phạm về công bố thông tin. Hoặc cũng có trường hợp cổ phiếu của cổ đông bị lock lại khi pháp nhân cổ đông đó đang trong diện điều tra của cơ quan điều tra.
B) Ý nghĩa của tỷ lệ Free Float
Tỷ lệ này rất có ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán giúp nhà đầu tư xác định được tính thị trường và chất lượng của cổ phiếu. Qua đó phần nào đánh giá được cơ hội đầu tư vào cổ phiếu đó. Và cũng là 1 trong những tiêu chí quan trọng để xem xét cổ phiếu đó có được vào rổ chỉ số VN30, HNX30 (trên 5%).
Phản ánh được giá trị thị trường thực tế của doanh nghiệp:
Quyền biểu quyết và kiểm soát với doanh nghiệp: Tỷ lệ càng thấp thì một số cổ đông lớn hoàn toàn quyết định được đường lối của doanh nghiệp (ví dụ: phần lớn các doanh nghiệp có cổ đông lớn mang yếu tố nhà nước như GAS POW PLX BCM,…). Ngược lại, tỷ lệ càng cao thì doanh nghiệp sẽ mang tính đại chúng nhiều hơn tránh việc kiểm soát quá mức của 1 bộ phận cổ đông lớn tuy nhiên cái này sẽ có cái rủi ro hiện hữu là doanh nghiệp sẽ khó thống nhất đưa ra được quyết định chung (ví dụ như EIB đã nhiều lần đại hội bất thành).
Thể hiện được tính giao dịch công bằng và minh bạch của cổ phiếu trên thị trường
C) Cách tính tỷ lệ Free Float
Sau khi đã hiểu rõ khái niệm tỷ lệ Free Float là gì chúng ta sẽ cùng bắt tay vào việc tính tỷ lệ này. Đầu tiên chính là tìm hiểu về công thức tính.
Công thức tính tỷ lệ Free Float
Tỷ lệ Free Float (%) = Số lượng cổ phiếu Free Float / Tổng số lượng cổ phiếu đang được lưu hành
Trong đó:
Số lượng cổ phiếu Free FLoat: Tổng số lượng cổ phiếu đang được lưu hành – Tổng số lượng cổ phiếu bị khóa lại (hạn chế chuyển nhượng, nếu giao dịch phải công bố thông tin)
Tổng số lượng cổ phiếu đang được lưu hành: Số lượng cổ phiếu doanh nghiệp đăng ký được phép giao dịch trên thị trường.
Tỷ lệ này không cố định mà có thể được thay đổi tùy thuộc vào thời điểm, tính biến động của cơ cấu cổ đông, giá cổ phiếu, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Tỷ lệ này sẽ được làm tròn lên theo hàng đơn vị. Cụ thể:
Tỷ lệ free float < 15% thì sẽ làm tròn theo bước 1%. VD: tỷ lệ nằm trong khung 8-9% thì sẽ làm trong thành 9%. 13-14% thì sẽ làm tròn thành 14%.
Tỷ lệ free float >15% thì sẽ làm tròn theo bước 5% (bội số của 5). VD tỷ lệ nằm trong khung 15-20% thì sẽ làm trong thành 20%. Từ 40-45% thì sẽ làm trong thành 45%
D) Ví dụ minh họa cách tính
Ví dụ xem xét cổ phiếu CTCP sữa Việt Nam (VNM-HOSE). Có số lượng cổ phiếu đang lưu hành là: 2,088,955,445
Bước 1: Xem xét cơ cấu cổ đông. Nhà đầu tư có thể xem trên báo cáo thường niên năm gần nhất, hoặc trên các trang web về tài chính như cafef, vietstock,…. Và nếu có thay đổi thì rất dễ nhận biết vì là cổ đông lớn nên mua hoặc bán phải bắt buộc đăng ký thông tin lên sở giao dịch chứng khoán.
Tổng tỷ lệ sở hữu của cổ đông trên 5% = 36+17,69+10,62= 64,31%.
Tuy nhiên ở trường hợp này nhà đầu tư tính luôn F&N manufacturing PTE LTD 2,7% vì là cổ đông liên quan F&N dairy investments PTE LTD → tỷ lệ lúc này là 67,01% (1,400,518,390)
Bước 2: Xem xét số lượng nắm giữ của HĐQT, ban giám đốc và người có liên quan: Nhà đầu tư kiểm tra số liệu trên báo cáo quản trị gần nhất. Việc này đòi hỏi nhà đầu tư phải đọc rất kỹ để tính được tỷ lệ chính xác nhất.
Số lượng cổ phiếu của TGĐ Mai Kiều Liên và người có liên quan
6,400,444+5,786+619,303=7,025,533
Tương tự với những người liên quan khác thì số lượng cổ phiếu không được tự do chuyển nhượng là: 879,349.
Như vậy tổng số lượng cổ phiếu bị khóa lại: 1,400,518,390+7,025,533+879,349=1,408,423,272
Số lượng cổ phiếu Free float = 2,089,955,455 – 1,408,423,272 = 681,532,183
Tỷ lệ Free float = 681,532,183/2,089,955,455=32,6 làm tròn bằng 35%
Với mức tỷ lệ free float ở mức 35% có thể thấy mức độ tiếp cận của nhà đầu tư trên thị trường với cổ phiếu VNM ở mức độ vừa phải không cao cũng không thấp.
Thêm 1 ví dụ khác về tổng công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (VGI-UPCOM) có tổng cổ phiếu lưu hành là 3,043,811,200.
Dựa trên cơ cấu cổ đông với tập đoàn Viettel chiếm tỷ lệ chi phối hoàn toàn với 99,03% tương ứng 3,014,217,300.
Cộng thêm tổng lượng cổ phiếu được lock lại bởi ban HĐQT, ban GĐ và những người có liên quan là 209,600.
Như vậy số cổ phiếu free float sẽ là 3,043,811,200-3,014,217,300-209,600 = 29,384,300
→ Tỷ lệ free float = 29,384,300*/3,014,217,300 = 0,97 (%) (rất thấp)
Như vậy đây là cổ phiếu phần lớn nhà đầu tư sẽ rất khó tiếp cận và mức độ điều tiết giá trên sàn là có hay nói cách khác giá cổ phiếu sẽ không phản ánh theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà sẽ phụ thuộc vào điểm rơi thời điểm của cổ phiếu. Để xác định được cổ phiếu sẽ lên tới mức nào là không thể, ảnh hưởng rất lớn tới chiều tăng giá)
E) Tầm quan trọng của tỷ lệ Free Float trong đầu tư
Vậy tầm quan trọng của tỷ lệ Free Float là gì?
Tính thanh khoản
Tỷ lệ này cho thấy mức độ mua bán có dễ dàng hay khó khăn không. Tỷ lệ càng cao (cổ phiếu rất có tính thanh khoản) cho thấy số lượng cổ phiếu bên ngoài càng nhiều qua đó có thể đánh giá nhà đầu tư có thể mua bán dễ dàng và nhanh chóng (đặc biệt phù hợp với nhà đầu tư cá nhân). Ngược lại, tỷ lệ này thấp (cổ phiếu tính thanh khoản thấp) cho thấy số lượng cổ phiếu bên ngoài thấp hạn chế mức độ tiếp cận của nhà đầu tư và việc mua, bán sẽ trở nên khó khăn hơn.
Đánh giá rủi ro
Việc đánh giá rủi ro dựa trên tỷ lệ Free Float là gì? Theo kinh nghiệm cá nhân: Tỷ lệ Free float còn có thể biết được khả năng làm giá của cổ phiếu như sau.
Tỷ lệ làm giá = KLGD trung bình 20 phiên của cổ phiếu / số cổ phiếu free float.
Tỷ lệ này lớn hơn 5% thì cổ phiếu có yếu tố làm giá nghĩa là độ tăng giảm sẽ có biên độ cao và phần nào sẽ bị kiểm soát.